Hội chợ Nam Cali - Nơi lắng hồn núi sông nghìn năm
Dù bận, dù mệt, dù có đủ mọi sự khó khăn cho việc di chuyển từ Sacramento tới Nam Cali, nhưng từ tết giáng sinh 2011, tôi đã nghe mọi người nhắc tới hội chợ tết với một niềm ngưỡng mộ và kính tín, nên sáng 5 tết, hai mẹ con tôi trở dạy từ lúc 4 giờ để hăm hở tìm về, hy vọng “trăm nghe” cũng không bằng “một thấy”.
Đầu tiên là phần “lễ” - phần khó nhất trong mọi lễ hội, bởi phần “hội” có thể lao xao, bát nháo được, còn phần lễ - vốn là cội nguồn linh thiêng của dân tộc, phải cẩn thận đến từng tiết đoạn. Với độ tuổi mười tám, đôi mươi, ăn tuy no, nhưng lo chưa tới, sao tổng hội sinh viên có thể đảm nhiệm được? Nhất là lại sinh ra và lớn lên tại xứ người, nói tiếng Việt còn chưa sõi, sao đi sâu vào từng tiết đoạn đời sống của ông bà, tiên tổ 4000 năm trước mà phản ánh chính xác được, tập tục đâu phải chuyện đùa?
Cổng vào làng VN với chủ đề Lạc Long Quân - Âu Cơ
Vậy mà không, không những không bát nháo đã đành, ngay cả một lỗi nhỏ cũng không.
Có lẽ chưa bao giờ trong cuộc đời tôi gặp một cuộc diễn hành lớn đến thế, đủ các loại cờ lớn nhỏ với các màu sắc phong phú đa dạng, từ cờ vàng ba sọc đỏ, vốn có nguồn gốc từ thời bà Triệu (đầu voi phất ngọn cờ vàng) Ba sọc đỏ tượng trưng cho ba miền: Bắc, Trung, Nam, sống chung dưới một mái nhà Việt Nam (nền vàng), ngầm nhắc nhở con dân nước Việt phải biết thương yêu và qúy trọng lẫn nhau. Tiếp đến là cờ Sao và sọc của Mỹ với ba màu xanh, trắng, đỏ cùng 50 ngôi sao và 13 vạch đầy ý nghĩa. Màu đỏ tượng trưng cho lòng dũng cảm và nhiệt huyết. Màu trắng nói lên niềm hy vọng trong sáng, nét tinh khiết của cuộc sống và tinh thần kỷ luật. Màu xanh là hiện thân của thiên đàng, biểu tượng của Thượng đế, của lòng trung thành, niềm tin vào công lý. 50 ngôi sao trên nền màu xanh dương, tượng trưng cho 50 tiểu bang hiện tại, nằm ở góc trái trên cùng. Phần chính gồm 7 sọc đỏ và 6 sọc trắng, tượng trưng cho 13 tiểu bang sơ khai đầu tiên của người Mỹ. Sau cùng là các loại cờ không thể thiếu trong mọi lễ hội của người Việt. Từ cờ ngũ hành: Xanh, đỏ, vàng, đen, trắng. Cờ tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Cờ bát quái: Kiền, Khảm, Chấn, Càn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài v.v do Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt của Giáo sư Song Thuận phụ trách. Cả rừng cờ rừng người phập phồng, phấp phới trong cảm hứng của lễ hội đầu xuân...
Trong cảm giác lâng lâng, phấn khích, tôi đi dạo một vòng quanh hội chợ và thật ngạc nhiên khi thấy hồn núi sông lắng đọng cả ở nơi đây. Từ Quốc Tử Giám (Văn Miếu) tại Hà Nội đến chùa Thiên Mụ (Huế), chợ Bến Thành (Sài Gòn), chợ nổi miền Tây, mái lều tranh, quán đầu làng v.v Ngay cạnh cổng tam quan là những cô thiếu nữ với trang phục áo tứ thân, tóc bỏ đuôi gà, mặt hoa da phấn, ngôi rẽ giữa, mái tóc mượt mà óng ả như tiên giáng trần cùng hàng trăm lính dõng, áo xanh nẹp vàng hoặc áo đỏ nẹp trắng đứng oai nghiêm như tạc tượng, đầu đội nón lá, thắt lưng màu vàng bó quanh thân áo xanh, quần vàng chẽn, tay cầm côn gậy đầu rồng, trông oai phong lẫm liệt, bởi chính họ là một phần biểu tượng của hội chợ tết đầu năm...
Sân khấu - nơi tập trung các đám rước vĩ đại rộng mấy nghìn Square Feet, hai bên là cả dãy cây cổ thụ cành vươn rộng trong nắng ấm, cùng cả dãy lều bạt căng rộng đã chật ních người như nêm cối, nơi diễn ra bao tiết đoạn của hội chợ tết. Các kiệu tế, kiệu rước, trống đại, lọng vàng do các tráng đinh phụ trách đang tiến dần vào nơi tập trung. Tất thảy đều oai vệ,đằng đằng khí thế, vừa hiện thực vừa huyền ảo như gợi lại cả một vùng ký ức hào hùng, trong sáng.
Các thiện nguyện viên trong trang phục cổ truyền
Ấn tượng đậm nét là khu làng Việt Nam với hàng chục ngôi nhà nứa lá tranh tre, những khóm trúc, bụi tre, tàu chuối, đàn ngỗng, gà vịt như tô điểm thêm quang cảnh của làng. Người ra, kẻ vào tấp nập, già trẻ lớn bé gái trai với đủ loại trang phục từ truyền thống đến hiện đại góp mặt đông đủ... Bất giác những câu thơ về phiên chợ tết được học từ thưở vỡ lòng ở trường làng trong dịp đi sơ tán tại vùng quan họ Bắc Ninh cứ dội ngược trở về trong tôi:
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ...
Thầy Đồ trong làng Việt Nam
Ngay cạnh quán đầu làng là “Thầy Đồ" đang hướng dẫn các cô cậu học trò miệt mài cặm cụi viết những nét chữ Nôm đầu tiên, trên tường treo cả hàng dài chữ Nôm, câu đối...Một hình ảnh vô cùng cao quý sinh động, cũng rất mực thân quen, được khắc họa rõ nét trong bài thơ “Ông đồ” của tác giả Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay...
Lễ rước Quốc Tổ Hùng Vương
Gần 200 gian hàng được trang trí vừa giản dị vừa cầu kỳ bắt mắt với đủ thứ mặt hàng, từ văn hóa đến ẩm thực. Thôi thì đủ loại: Phở bò, bánh cuốn, bún chả, thịt nướng, nộm đu đủ, cháo lòng, nước mía, nước lá dứa pha sữa v.v Tất nhiên không thể “bói” đâu ra một chiếc hamburger, hot dog... vì đây là một hội chợ tết thuần Việt, nhằm bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Gần trăm nghìn người Việt từ khắp nước Mỹ đổ về, nhiều gia đình đem theo cả lều bạt để ở trong khu vực hội chợ suốt 3 ngày tết (mồng 5, mồng 6 và mồng 7) đến thứ 2 mới chịu rời đi.
Đám cưới đầu Xuân (một tiết mục không bao giờ thiếu trong hội Tết Sinh Viên
Khách ngoại quốc từ Australia, Nhật Bản, Pháp, đông nhất là Mỹ, cũng háo hức tham gia hội chợ tết, nhiều người súng sính trong bộ áo dài mềm mại tha thướt duyên dáng của Việt Nam, nét mặt rạng ngời hạnh phúc. Nhiều vị nam có, nữ có, nấn ná đứng chờ ở cổng Tam quan để được chụp ảnh cùng các chú lính dõng dưới gốc đa đầu làng, hoặc chụp cùng các cô thôn nữ lộng lẫy trong bộ trang phục truyền thống: Khăn xanh, áo tơ vàng, thắt lưng lụa hồng, quần lĩnh trắng thắm tươi và trang nhã một vẻ đẹp cổ điển, bắt mắt.
Chùa Thiên Mụ
Chìm trong sắc màu của hội chợ, tôi không khỏi ngạc nhiên khi giữa đất khách quê người, cách thời đại các vua Hùng dựng nước 4000 năm lại “mọc” lên một phiên chợ tết đông vui nhộn nhịp náo nức quen thuộc đến lạ kỳ. Từ con trẻ 7 tháng tuổi mắt tròn xoe ngơ ngác đến các vị chức sắc, lão hạng, khăn xếp áo the đủ màu xanh, đỏ, tím, vàng...Tất cả đang thâm nhập với đời sống dân dã, với sức sống oai nghiêm bền bỉ cổ truyền của dân tộc... Hàng nghìn con người đã trở thành những “biến thể” vừa thân thuộc vừa xa lạ (như thể đang chịu phép thôi miên từ lễ hội). Niềm thành kính từ nội tâm phát tỏa thành năng lượng biểu hiện qua nét mặt, cử chỉ nên ai ai cũng trang nghiêm lặng lẽ, hai nét miệng ngang bằng, xổ thẳng, biểu hiện sự chú tâm, chú mục đầy chân chất và thanh tao.
Nhà lá trong làng Việt Nam
52 tuổi đời, từng giáp mặt với mọi sự cơ cực, đắng cay của cuộc đời trong ngôi nhà xã hội chủ nghĩa, đặc biệt gần kề cái chết trong ngục tù cộng sản vì bị cắt thuốc vô cớ, những tưởng đã đặt chân tới đường biên của sự từng trải, xuống đến đây tôi mới ngộ ra một điều rằng: “Có một miền mình chưa đi tới, một miền mãi còn là điều mới mẻ bí ẩn và lạ lẫm đối với tôi đó là một vùng miền ký ức mênh mông từ thưở các Vua Hùng dựng nước, một vùng tâm linh sâu thẳm - nơi con người cùng hướng tới sự cao cả, linh thiêng, cũng là nơi con người được tổ chức và gắn kết với nhau bằng một niềm kính tín. Tất cả có chung với nhau một miền ký ức, cùng liên hệ trực tiếp tới lịch sử, cội nguồn, gốc rễ của quê hương, bản quán gia tộc mình. Niềm đồng cảm trong thế giới tinh thần đã gắn kết mọi người lại với nhau thật thân thương và linh diệu, ngược hẳn với hàng trăm hàng nghìn các lễ hội bát nháo nơi quê nhà, khi những cô gái hát quan họ, đội nón quai thao, áo mớ bảy mớ ba lại mặc quần bò, giày cao gót cao cả chục cm, khoe những đôi chân dài tận nách(!). Bên gốc đa cổ thụ, trong những túp lều dựng tạo nên bằng giấy, gỗ tre pheo là chiếc đồng hồ hiện đại chạy tích tắc, như nhắc nhở mọi người về sự tồn tại phi lý của mình. Chiếc trống đại đi phía sau đội cờ, dưới bóng râm của hai chiếc lọng vàng còn nguyên dấu tích của trường phổ thông trung học, ghi rõ xuất xứ sản xuất năm 2010(!)
Khuê Văn Các - Văn Miếu
Sau khi bị chẹn cổ lấy đủ các loại tiền, từ tiền gửi xe đạp, xe máy, tiền vào cổng, tiền bảo vệ môi trường, tiền tôn tạo và đóng góp vào di tích lịch sử, tiền ăn, tiền uống (đắt gấp năm gấp mười ngày thường)...chỉ còn biết ngửa cổ thốt lên: “Em ơi lễ hội khóc” thay vì câu hát trong bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phú Quang: “Em ơi Hà Nội phố”. Nhiều gia đình nghe tin có lễ hội, háo hức chuẩn bị từ vài tuần trước, dắt díu cả mẹ già con dại, bầu đàn thê tử nối nhau đến hội, cuối cùng chỉ còn biết ngửa cổ than:
Tưởng rằng hy vọng chứa chan
Ngờ đâu lại hóa chán chưa hở giời?
Sau khi chen xe, chen nhau đến bẹp ruột, lòi gan, bị “chặt chém” vô tội vạ bởi đủ các loại phí, chỉ còn tự nhủ:
Ai sinh ra lễ hội này
Để vơ để vét cho đầy túi tham?
Chợ nổi miền Tây
Dù đóng thuế “bảo vệ môi trường” nhưng trước và sau lễ hội là cảnh xả rác vô tội vạ. Từ túi nilon, đồ ăn thừa, lá gói bánh chưng, hộp nhựa, đũa tre v.v. Ngay chất thải của con người cũng tự do phóng uế bừa bãi, cứ khai nồng trong nắng trưa...Ngược lại ở Nam Ca li là một sự gọn gàng, sạch sẽ, trước mỗi gian hàng có một hộp giấy chuyên đựng đồ phế thải. Gần hai trăm lều quán ứng với hàng chục toa lét xếp thành một dãy dài ở một vạt đất trong khuôn viên lễ hội.
Chị Huỳnh Thị Thanh Nhàn, một thành viên của đảng Việt Tân, cho biết: “Tôi nghĩ tâm trạng của người Việt xa tổ quốc rất muốn tìm về nguồn cội, nơi mình từng sinh ra lớn lên, tắm nắng tắm gió, hít thở bầu không khí trong lành của quê hương, xứ sở... nhưng Việt Nam bây giờ đâu còn là đất tổ Hùng Vương nữa mà chỉ còn là chủ nghĩa xã hội do một nhóm độc tài cai trị. Bản chất của nguồn cội ngày càng phôi pha, phai nhạt đi, mà đường về thì xa lơ lắc. Không chỉ cách núi ngăn sông mà chủ yếu ngăn cách bởi ý thức hệ, giữa người Việt lưu vong và người Việt trong nước, giữa cộng sản và không cộng sản, giữa tự do, dân chủ nhân quyền và bất công, vô lý... Tại sao giữa xứ sở tự do, nơi vật chất tinh thần đều sẵn có mà không tổ chức một lễ hội đầu năm để bà con mình tìm về, kéo đến, lắng hồn mình trước hồn thiêng sông núi?
Sạp vải
Từ ý tưởng đến việc làm là cả một khoảng cách lớn, đòi hỏi không chỉ tinh lực mà cả vật lực, sự đam mê hiểu biết đến tận cùng mọi chi tiết, không thể “đầu voi, đuôi chuột” theo kiểu cộng sản được mà đã làm là phải làm đến nơi đến chốn, “phải dò cho đến ngọn nguồn, lạch sông”...Thế là tìm người hiểu biết để học hỏi, chỉ giáo, khôi phục lại cả một làng nghề truyền thống, phong tục lâu đời để nhắc nhở con cháu không được quên cội nguồn, gốc gác dân tộc mình mà còn tưởng nhớ lại công lao của các vua Hùng trong việc dựng nước giữ nước, đồng thời bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, không bị Mỹ hóa, Úc hóa hoặc Pháp hóa...Từ những bộ trang phục ngày tết (áo tứ thân mềm mại óng ả của các cô thôn nữ) đến những bộ trang phục của các ông chủ tế (áo thụng vàng thêu rồng xanh), đến trang phục của các thành viên tham gia hành lễ (quần chùng, áo dài), mũ bình thiên, hay trang phục của quan văn, quan võ, hoặc các đạo cụ như gươm giáo, bát bửu, dùi đồng, phủ Việt... đều phải cử người về tận trong nước đặt hàng, mỗi năm tết đến xuân về lại được bổ xung mới hoặc quang dầu lại vàng son bóng nhoáng cho đúng với không khí lễ hội cổ truyền trong sắc trời xuân nắng ấm.”
Trong ảo giác lâng lâng, khi hội chợ đã đi vào phần kết, giữa các gian hàng đủ thể loại màu sắc, từ sách báo, văn hóa phẩm đến gian hàng của hội thương phế binh Cộng Hòa, hội từ thiện, hướng đạo v,v tôi giật mình khi bị phóng viên báo Viễn đông “bắt cóc”:
- Chị ở Việt Nam đã chứng kiến lễ hội nào bề thế như thế này chưa? Theo chị sự khác biệt rõ nét giữa các hội chợ tết trong nước và Hải ngoại là gì?
Bồi hồi ra khỏi cảm xúc đang có, tôi thẫn thờ trả lời:
Chiếc gầu sòng
- Chưa đâu, đơn giản vì làm được một lễ hội mang tính huyền thoại, truyền thống trang trọng như thế này phải hội tụ ba điều cần thiết, đó là cái tâm thật sáng, cái trí phải lớn và cái hồn phải trong, người Việt trong chế độ cộng sản chỉ chạy theo lợi nhuận, tư túi, tham nhũng nên chia 5 xẻ 7, giằng co cãi vã, tranh công đổ tội...Vì vậy chỉ có thành tích ảo, tuyên ngôn lừa, cụ thể bánh trưng dâng lên vua Hùng nặng cả yến (20 pound), nhưng không phải bằng gạo nếp, nhân đỗ, thịt lợn mà bằng bọt biển, giẻ rách, chỉ hào nhoáng lá xanh lạt đỏ bên ngoài... Còn sự khác biệt thì rõ nét lắm, đó là sự bật trội trong sáng hồn nhiên, tính tự nguyện tự giác của cả ban tổ chức lẫn người tham gia hội chợ. Tiếng pháo nổ râm ran đó đây mà không gây sự ồn ào, sợ hãi xen lẫn nỗi nguy hiểm cho khách du xuân, thưởng ngoạn. Hàng nghìn chiếc ô tô đậu san sát ken dày mà không hề xảy ra sự chen lấn hỗn độn nào, bởi tất cả đã được tổng hội sinh viên trù tính từ trước. Những người đến sau có thể đỗ xe ở bãi đậu xe cách xa khu vực hội chợ vài km, từ đó sẽ có xe bus của ban tổ chức chở miễn phí vào khu vực hội chợ. Giá vé vào cổng đồng đều cho mỗi người là 5 USD, giá thức ăn, hoặc các mặt hàng tiêu dùng, đều giữ nguyên giá cũ. Các trò chơi dân gian như câu cá, quay số, bốc thăm cũng vậy...Vì thế, tâm trạng người bán, người mua, người chơi, hay người tham gia hội chợ đều vô cùng vui vẻ, hồ hởi, không có sự “chặt, chém” dã man như các hội chợ ở Việt Nam. Nơi chỉ có hội (lợi dụng cơ hội để móc túi người tiêu dùng) chứ không có lễ nghĩa, phép tắc gì hết, cứ chán ngán mặc thây, tiền mày tao đút túi(!). Ngay cả khách nước ngoài cũng chỉ dám đến một lần là triệt tiêu hứng thú.
Chuẩn bị cho nhạc cảnh "Quang Trung đại phá quân Thanh"
Sau 3 ngày tham dự hội chợ, tầm mắt, tâm trí được nuôi dưỡng bằng cảnh vật, màu sắc đậm đà bản sắc dân tộc, cũng là được thưởng thức đủ các món ngon vật lạ của người Việt xưa và nay, trên đường về - cô bạn tôi bảo:
- Hồi mới sang buồn lắm, tết đến là nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ những câu thơ cổ, tâm trạng đau buồn u uất, có lúc tưởng tan thành nước, toàn thân nhão như bùn hoặc sôi sùng sục không chịu nổi, chỉ muốn bỏ tất cả ở lại xứ người mà về. Vậy mà từ khi có hội chợ đến nay đã thành thói quen tâm lý rồi. Dù là đêm giao thừa, hay sáng mồng một, mồng hai vẫn chưa phải là tết, chỉ khi diễn ra hội chợ, vợ chồng, con cái xúng xính, tha thướt trong bộ áo dài truyền thống hoặc áo the, khăn xếp tới hội chợ mới thực sự là tết. Dù sao đi du xuân, dự hội chợ cũng là để vợi nỗi nhớ quê nhà.
Cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, khi mẹ con tôi lên máy bay trở về Sacramento thì hàng trăm người của tổng hội sinh viên vẫn đang lúi húi với cả đống công việc dọn dẹp, tháo dỡ, trả lại quang cảnh yên bình cho công viên Garden Grove.
Ngồi yên vị trên máy bay, tâm trí tôi vẫn còn hướng cả về hội chợ, nơi lượng người đông cứng nhưng luôn xôn xao niềm nở cùng những tiếng nắc nỏm, thầm thì về một lễ hội vô cùng độc đáo, sinh động, mang nặng nét cổ truyền của dân tộc như hát ả đào, chúc Tết, đánh cờ người, đám cưới đầu Xuân v.v và v.v, lòng thầm hẹn tết năm sau lại về.
Nam Cali 7 tết 2012
TKTT