Thursday, May 17, 2012


Khẩu Hiệu Tranh Cử
(05/15/2012)
Tác giả : Vũ Linh

...luật cải tổ y tế để đời của ông đang có nguy cơ bị thu hồi...

Đúng quy luật tranh cử, chính khách nào muốn thắng cử cũng cần đưa ra một khẩu hiệu, vừa dễ hiểu và ngắn gọn, vừa mang đầy đủ ý nghiã. Không phải chuyện dễ. Muốn có khẩu hiệu như vậy, các chính khách thường phải thuê chuyên viên nghĩ ra cả trăm khẩu hiệu khác nhau, rồi mang ra thử nghiệm với các nhóm cử tri –focus group- được tuyển lựa kỹ càng để có thể mang tính cách biểu tượng cho khối cử tri đối tượng.

Năm 2007-08, ứng viên Barack Obama lúc đầu đưa ra khẩu hiệu Hy Vọng (Hope). Sau đó được kèm thêm Thay Đổi (Change), rồi triển khai ra thành Thay Đổi Chúng Ta Có Thể Tin Được (Change We Can Believe in). Tuy vẫn mù mờ nhưng tương đối không quá bao quát như Hy Vọng khơi khơi, không rõ là hy vọng sửa xe cũ hay hy vọng sắm xe mới. Thay Đổi thì rõ ràng là sắm xe mới rồi.

Khẩu hiệu Thay Đổi đáp ứng đúng nhu cầu của cử tri Mỹ, đang bị nhức đầu bởi những khó khăn liên tục của chính quyền Bush, từ cuộc chiến dai dẳng chống khủng bố, đến hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm, rồi đến khủng hoảng gia cư đưa đến khủng hoảng tài chánh – kinh tế lớn nhất từ đầu thế kỷ. Trong hoàn cảnh đó, người dân quá ngao ngán, dĩ nhiên là muốn có thay đổi, và thay đổi lớn.

Khẩu hiệu đó cũng rất tiện lợi vì khỏa lấp được yếu tố không có kinh nghiệm hay thành tích gì của ứng viên Obama, và giúp cho ông tha hồ hứa hẹn mà không cần thắc mắc sẽ thực hiện được hay không. Được thì sẽ có dịp khoe công, không được thì sẽ có chuyên viên lo giải thích và tìm người đổ thừa. Chuyện dễ mà.

Cái “Thay Đổi” mà TNS Obama nêu lên ở đây mang rất nhiều ý nghiã. Từ thay đổi các chính sách kinh tế - tài chánh để thoát khỏi khủng hoảng, đến thay đổi chính sách đối ngoại để tạo cảm tình từ khối Hồi giáo và đồng minh Âu Châu, đến thay đổi chiến lược tại Iraq và Afghanistan để rút Mỹ ra khỏi vũng lầy tại đây. Nhưng quan trọng hơn cả, thay đổi trong không khí chính trị nội bộ, chấm dứt sự phân hoá giữa hai chính đảng cũng như giữa hai khối bảo thủ và cấp tiến, dưới chiêu bài đại đoàn kết toàn dân trong một chế độ cấp tiến ôn hòa.

Điểm đáng nói là ứng viên Obama chẳng những nhắm vào chế độ Bush khi ông kêu gọi thay đổi mà còn có ý khều chân bà Hillary, mặc dù là đồng chí Dân Chủ, nhưng dù sao thì cũng vẫn là đối thủ, biểu tượng cho cái gì cũ mèm, một thể chế chính trị mục nát của thủ đô, mà cũng là vợ của một tổng thống bê bối. Thay đổi ở đây có nghiã là dẹp bỏ Cộng Hòa của Bush và McCain, nhưng cũng là dẹp luôn Dân Chủ tai tiếng của ông bà Clinton.

Khẩu hiệu “Thay Đổi” đã chứng tỏ thực sự hết sức hiệu quả, làm ngây ngất không ít ông già bà lão mơ tưởng về quá khứ vàng son, giới trẻ ngây ngô lạc trong thế giới ảo của internet, tài tử Hồ Ly Vọng sống trong phim giả tưởng, và dân nghèo muốn bám víu vào một hy vọng tươi sáng.
Bây giờ, hơn ba năm sau khi chấp chánh, người dân nhìn thấy khẩu hiệu đó vẫn chỉ là khẩu hiệu, chẳng có gì thực sự thay đổi. Nếu có thay đổi thì lại chỉ là thay đổi theo chiều hướng … xấu hơn đi. Điển hình là không khí chính trị tại Hoa Thịnh Đốn càng ngày càng phân hóa nặng hơn và số người thất nghiệp leo lên tới xấp xỉ 15 triệu. 

Khẩu hiệu tranh cử lần này dĩ nhiên phải khác với khẩu hiệu của bốn năm trước. Phải làm sao phản ánh tình thế hiện hữu cũng như chiến lược tranh cử mới. 

Cách đây vài tuần, báo chí bàn đến khẩu hiệu “Chúng Ta Không Thể Chờ Đợi Nữa” (We Cant Wait). Nghe nói đó là khẩu hiệu do chính TT Obama đề ra, được tung ra như là một thử nghiệm, nếu như ăn khách thì sẽ được khai thác sâu rộng hơn, nếu như không hợp nhĩ cho lắm thì sẽ được thay thế sau. Khẩu hiệu mới này mang một ý nghĩa rất lớn.

Thứ nhất, nó nói lên tình trạng tổng thống hoàn toàn bị bó tay, không thực hiện được những gì ông muốn làm, vì sự chống đối, hay ít ra cũng vì Cộng Hòa nắm đa số tại Hạ Viện, không chịu thông qua luật gì hết, khiến ông chỉ biết bó tay ngồi chờ, và bây giờ là lúc ông không thể tiếp tục chờ nữa. 

Thứ nhì, danh từ “we” trong tiếng Anh có thể hiểu là “chúng tôi” (chỉ tổng thống và ê-kíp của ông, cũng như đảng Dân Chủ) mà cũng có thể hiểu là “chúng ta” (bao gồm luôn cả những người đối thoại, tức là khối cử tri, là dân Mỹ nói chung). Hiểu theo nghiã “chúng ta”, thì có nghiã là TT Obama cố tạo ra một chiến tuyến, một bên là khối đối lập Cộng Hòa cản đường ngăn lối, và một bên là ông, đảng Dân Chủ và cả nước sốt ruột không thể chờ được nữa mà muốn thấy hành động. Dĩ nhiên là hành động theo chiều hướng và viễn kiến của TT Obama.

Thứ ba, trong khi khẩu hiệu “Thay Đổi” là một lời hứa hẹn của ứng viên, thì khẩu hiệu mới lại là lời kêu gọi hành động, kêu gọi khối cử tri hãy làm một cái gì để hoá giải tình trạng bó tay ngồi chờ. Nôm na ra, hãy bầu cho phe Dân Chủ ở lại Tòa Bạch Ốc và chiếm lại đa số tại cả hai viện quốc hội để tổng thống và “chúng ta” có thể làm được cái gì.

Hiển nhiên, khẩu hiệu này là một hình thức … đổ thừa không hơn không kém, đổ lỗi cho đối lập Cộng Hoà đã làm tê liệt guồng máy chính quyền Obama, khiến cho một nhà báo đã mỉa mai đề nghị TT Obama nên lấy một khẩu hiệu xác thực hơn như “Không Phải Lỗi Tôi” (Not My Fault!).

Nước Mỹ theo chế độ tự do dân chủ, trong đó vai trò đối lập được nhìn nhận như là một đóng góp lớn lao và hoàn toàn chính đáng, chính danh, và cần thiết, vì nó cho người dân một lựa chọn. Chỉ trích và đổ thừa đối lập chống phá là lý luận dễ dãi mà quên mất hai chuyện.

Thứ nhất, đối lập theo định nghĩa phải là chống đối. Đối lập hồ hởi hoan hô những người cầm quyền thì phải gọi là đối lập cuội. Đối lập thực sự là chống tối đa, và đã có suốt dọc lịch sử hơn 200 năm của xứ Mỹ này. Chưa có một tổng thống Mỹ nào mà không phải đối đầu với vấn nạn đối lập chống phá, kể từ tổng thống đầu tiên George Washington. Những người chỉ trích Cộng Hòa đang phá đám có trí nhớ rất kém, đã quên hẳn đảng Dân Chủ, khối cấp tiến và truyền thông đã đối xử với TT Bush như thế nào trong tám năm ông cầm quyền và ngay cả cho đến bây giờ. Do đó, đổ thừa không làm được việc vì đối lập chống phá chỉ là hành động biện minh không khéo lắm cho những thất bại của mình. 

Thứ nhì, đối lập không phải là một nhóm tự phong vớ vẩn mà do dân bầu lên. Nếu đối lập chiếm được đa số tại quốc hội để có thể khóa tay chính quyền, thì đó cũng chỉ phản ánh ý của đa số người dân muốn khóa tay chính quyền. Một ví dụ cụ thể. Ông Cộng Hòa Scott Brown ra tranh cử thượng nghị sĩ năm 2010 với chủ trương rõ ràng: không cho Dân Chủ có đủ đa số 60 ghế để thông qua Cải Tổ Y Tế tại Thượng Viện. Dân Massachusetts dù là thành đồng của Dân Chủ cấp tiến, cũng đồng ý, bầu ông Brown khiến TT Obama thiếu đúng một phiếu, cuối cùng phải thông qua luật Cải Tổ Y Tế bằng một kẽ hở thủ tục quốc hội. Việc ông đối lập Brown được bầu là ý dân, không thể gọi đó là Cộng Hòa phá đám. 

Một tổng thống có tinh thần trách nhiệm cao với toàn dân không thể đả kích đối lập chống phá, mà phải chấp nhận và tôn trọng đối lập chính là tiếng nói của một phần dân chúng, để rồi phải lắng nghe tiếng nói đó và tìm cách đối phó, đáp ứng, thuyết phục, hay dung hòa với các ý kiến của mình. 

Rồi tuần vừa qua, có lẽ thử nghiệm thấy khẩu hiệu We Cant Wait chưa ăn khách lắm, có vẻ tiêu cực, nên TT Obama đổi, đưa ra khẩu hiệu mới “Forward”, lịch sự thì dịch là Tiến Tới, kém lịch sự thì gọi là Lao Đầu Tới. Ông cho rằng ông đã đạt được nhiều thành tích trong nhiệm kỳ này, và bây giờ cần tiến lên, tiếp tục con đường thành công đó.

Trước hết phải nói là khẩu hiệu mới làm nhiều người … ớn lạnh. Tự điển Wikipedia –mà quý độc giả có thể vào tham khảo- mô tả Forward như tên chung của các tạp chí thiên tả. Cụ thể, Forward chính là tên của tờ báo do Lê-Nin xuất bản năm 1905, cũng là tên của cơ quan ngôn luận của đảng Dân Chủ Xã Hội Đức hồi đầu thế kỷ với những cây bút như Engels và Trotsky, và cũng là tên một tờ báo tiếng Đức do Karl Marx xuất bản tại Pháp. Gần đây hơn, Forward (hay tiếng địa phương Avante) là tên của các cơ quan ngôn luận của hai đảng Cộng Sản Bồ Đào Nha và Ý Đại Lợi. Dân tỵ nạn ta thì nhớ lại Tiến Quân Ca, “tiến nhanh, tiến mạnh lên thiên đường xã nghiã”. Dĩ nhiên không ai nói TT Obama là cộng sản, nhưng dù sao thì cái khẩu hiệu “Forward” này cũng làm thiên hạ gãi đầu gãi tai. Trong kho tàng văn hoá Mỹ, không còn gì khác sao? Không biết những người chụp nón cối lên đảng Cộng Hòa nghĩ sao?

Sau đó thì phải nhìn lại thành quả mà TT Obama khoe trong cái video dài bẩy phút dùng để tung khẩu hiệu mới. Đại khái ông khoe 1) kế hoạch kích cầu tạo được hơn bốn triệu việc làm, 2) rút quân khỏi Iraq, 3) ra luật cải tổ ngân hàng, 4) cứu nguy ngành sản xuất xe Mỹ, và 5) dĩ nhiên là giết được Bin Laden.

Ta hãy thử xét lại xem thực hư như thế nào. 

Kế hoạch kích cầu cứu được bốn triệu việc làm hay không là điều các chuyên gia kinh tế vẫn còn cãi nhau vì hoàn toàn tùy thuộc định nghiã, tùy thuộc việc xào nấu các con số, chỉ biết cụ thể là kế hoạch đó tốn hơn 800 tỷ trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn lảng vảng ở mức 8%-9% từ ba năm qua và chưa có chiều hướng giảm đi gì hết. Việc rút quân ra khỏi Iraq là một thành quả đáng nói vì chấm dứt được một cuộc chiến dai dẳng mà không ai thấy rõ sẽ đi về đâu, nhưng lại là rút quân theo lịch trình do TT Bush đã thỏa thuận với Thủ Tướng Iraq Maliki từ khi ông Obama còn chưa làm tổng thống, nhờ sự thành công của chiến lược đôn quân của Bush mà Obama cực lực chống đối khi còn tranh cử. Luật cải tổ ngân hàng có thể rất quan trọng, nhưng đối với người dân thường thì chỉ là một bộ luật “vô hình” chẳng ai thấy gì, chỉ thấy mấy tổ hợp ngân hàng vẫn lớn hơn bao giờ hết, các xếp lớn thủ phạm khủng hoảng tài chánh lớn nhất thế kỷ vẫn còn đó, vẫn lãnh lương đến mức thô bỉ, và cả trăm ngàn nhà vẫn còn bị xiết. Kế hoạch cứu các hãng xe, như chính Tổng Giám Đốc của General Motors xác định, là kế hoạch của TT Bush đề ra, và TT Obama chỉ tiếp tục thi hành. 

Chuyện giết Bin Laden nếu nghe theo TT Obama thì ta có cảm tưởng cụ Bin Laden trong hơn mười năm qua, ngồi phe phẩy quạt, phơi nắng ở hồ bơi khách sạn Sheraton ở Nữu Ước như Khổng Minh ngồi trên cổng thành dụ Tào Tháo mà không ai dám đụng đến chân lông cụ, chỉ có TT Obama cực kỳ can đảm, dám ra lệnh Người Nhái giết. Thật ra tất cả những biện pháp truy lùng Bin Laden đã được TT Bush ban hành, kể cả việc thành lập và huấn luyện nhóm Người Nhái đặc biệt. TT Bush khi đó đã bị truyền thông đả kích không ít vì câu “dead or alive” của ông. Cái may mắn của TT Obama là nhóm Người Nhái đã truy lùng ra khi TT Obama đang ngồi ở Tòa Bạch Ốc. Bất cứ ai ngồi Toà Bạch Ốc lúc đó cũng phải ra lệnh giết Bin Laden thôi, không có gì ghê gớm cả. Dù sao thì việc TT Obama khua chiêng trống cũng thông cảm được khi ông không còn gì đáng khoe ngoài chuyện này ra.

Điều nổi bật hơn cả chính là những gì TT Obama “quên” không khoe: rất nhiều lời hứa vẫn chưa thực hiện: tăng thuế nhà giàu mà ông mạnh miệng hứa hẹn rồi hô hào nhưng lại không làm khi có cơ hội cuối năm 2010; sắc lệnh đóng cửa trại tù Guantanamo được rầm rộ ký một ngày sau khi nhậm chức, đến bây giờ vẫn còn đó và không ai nhắc đến chuyện đóng cửa nữa trong khi các lãnh tụ khủng bố vẫn chưa ai ra tòa hết; vấn đề cư dân ở lậu vẫn chưa đụng tới mặc dù ông đã hứa sẽ giải quyết trong nhiệm kỳ đầu; cuối cùng là những hô hào đại đoàn kết toàn dân đã biến TT Obama thành tổng thống phân hoá nhất lịch sử cận đại Mỹ (đây không phải là nhận định của tác giả mà là của báo “phe ta” Washington Post).

Rồi đến những chuyện “không thành công lắm” mà ông đã lờ đi: luật cải tổ y tế để đời của ông đang có nguy cơ bị thu hồi; cuộc bầu cử năm 2010 đưa đến thảm bại lớn nhất của đảng Dân Chủ trong gần nửa thế kỷ qua; giá xăng leo lên hơn bốn đô một ga-lông; kinh tế vẫn èo uột với thâm thủng ngân sách và công nợ vọt lên đến những mức kỷ lục khó hình dung được; điểm tín dụng của Mỹ bị hạ lần đầu tiên trong lịch sử. 

Nhà báo “phe ta” LZ Granderson trên CNN biện hộ TT Obama có nhiều chuyện chưa làm được là vì 1) đối lập phá đám, 2) dân biểu Dân Chủ nhát gan sợ mất phiếu không dám ủng hộ TT Obama một cách tuyệt đối, và 3) dân chúng u tối (dense public)! Nói cách khác, nếu không có đối lập, nếu quốc hội chịu làm gia nô ngoan ngoãn, và nếu tất cả bàn dân thiên hạ đều thông minh cỡ đỉnh cao trí tuệ thì TT Obama đã làm được tất cả những gì ông muốn. Lập luận, này, dân tỵ nạn ta đã quá quen thuộc rồi thì phải.

Người dân Mỹ đã hy vọng, đã cho TT Obama cơ hội thay đổi, rồi họ không thấy gì tốt đẹp mà chỉ thấy nhiều điều đáng lo ngại, nên họ bỏ phiếu ào ào cho đối lập hai năm sau. Bây giờ muốn lấy lại niềm tin và lá phiếu của người dân, ông phải chứng minh chính sách của ông đúng, có kết quả tốt. Tiếc thay, những kết quả thực tế lại rất khiêm tốn. Và như vậy thì khó thuyết phục dân chúng bỏ phiếu cho ông và cho đảng Dân Chủ, cho dù khẩu hiệu hay ho đến đâu. (13-5-12)

Vũ Linh
 
 
 
 
 
 

No comments:

Post a Comment