16/05/12 | Tác giả: Ngô Nhân Dụng
Có thể vượt qua Trung Quốc
“Việt Nam phải chạy đua kinh tế với Trung Quốc!” Nói thì dễ, nhưng có thể thực hiện được hay không? Có nhiều yếu tố cho thấy nước ta có khả năng đạt được mục tiêu đó.
Với điều kiện chính quyền không ngăn cản tiềm năng phát triển của người dân, đặc biệt là các thanh niên sắp vào đời, và các nhà kinh doanh tư nhân.
Trước hết, nếu giả thiết Việt Nam và Trung Quốc cùng theo một tốc độ phát triển, thì trong một thế hệ nữa chắc chắn kinh tế nước ta sẽ bắt đầu vượt qua họ, nhờ một yếu tố hiển nhiên: Người Trung Quốc ngày càng già hơn. Tức là số người Trung Quốc làm việc sẽ ít đi; số người “nghỉ hưu” sẽ tăng lên. Hiện nay cứ 100 người Trung Hoa thì có 72 người đang trong tuổi làm việc; đến năm 2050, sẽ chỉ còn 61 người trong hoạt động sản xuất. Giống như cứ bẩy người đang làm việc họ sẽ mất một người. Từ nay đến năm 2050 số người Trung Hoa trong lớp tuổi 50 sắp nghỉ hưu sẽ tăng thêm 10%; còn những thanh niên trong lứa tuổi 20, mới bắt đầu bước vào thị trường lao động, sẽ giảm đi mất một nửa. Lứa tuổi đứng giữa (trung số, median) ở Trung Quốc hiện giờ là 34.5. Ðến năm 2050, lớp tuổi đứng giữa sẽ là 49 tuổi, tức là một nửa dân số già hơn và một nửa trẻ hơn lứa tuổi này!
Một nguyên nhân gây ra tình trạng người ăn vẫn đông mà người làm thì bớt đi, là chính sách một con thi hành từ lâu. Nhưng còn một lý do khác làm dân số Trung Quốc ngày càng già hơn, là phụ nữ bớt sinh đẻ. Cách đây 30 năm, một trăm đàn bà Trung Hoa sinh 260 đứa con; hiện nay họ chỉ còn sinh 156 con (Tỷ lệ sinh sản trung bình giảm từ 2.6 xuống 1.56). Từ năm 2015 đến 2020, tỷ lệ này sẽ còn xuống thấp đến 1.51 con mỗi bà. Những đứa trẻ đó lớn lên sẽ tiếp tục sinh ít con. Ở các thành phố lớn, tình trạng càng trầm trọng; năm 2010, tỷ lệ sinh sản của phụ nữ ở Thượng Hải là 0.6.
Ưu thế của Việt Nam là dân số trẻ hơn Trung Quốc; số người trong tuổi làm việc vẫn tiếp tục tăng lên trong khi bên Trung Quốc giảm đi. Lực lượng lao động rẻ tiền ở Trung Quốc hiện nay cạn dần, các công nhân tranh đấu đòi hỏi, trung bình lương tăng 20% một năm. Vì thế hiện nay nhiều công ty quốc tế như Nike đã bỏ Trung Quốc sang nước ta mở nhà máy lắp ráp, để tiếp tục được trả lương rất thấp.
Tất nhiên, người Việt Nam không thể nào cứ tiếp tục chạy sau Trung Quốc; họ bỏ rớt cái gì thì mình lượm! Chúng ta không thể cứ theo đuôi bắt chước họ, đem bán rẻ sức lực người lao động nước mình. Muốn chạy đua với Trung Quốc, nước ta phải tìm cách “đi bước trước!” Chúng ta có thể nhìn thấy cuộc cách mạng công nghiệp sắp tới tạo cơ hội cho các ngành hoạt động kinh tế mà chính Trung Quốc cũng chưa đặt chân vào. Trung Quốc đã chiếm ưu thế so với nước ta là vì họ đã bắt đầu làm ăn theo lối Mỹ từ năm 1978, trong lúc Việt Nam vẫn còn coi Liên Xô là khuôn mẫu để học tập. Nhưng từ khi cải cách kinh tế, Trung Quốc vẫn chỉ dựa trên nền kinh tế thế giới cũ, thiên về sản xuất, nhất là sản xuất hàng loạt, dùng số lớn để hàng được giá rẻ. Chính nền kinh tế cũ đó, bắt đầu từ thế kỷ 19, 20, hiện nay đang dần dần biến đổi. Sẽ đến ngày sản xuất hàng loạt không phải là sức mạnh nữa, vì không đem lại nhiều lợi lộc nhất. Kinh tế thế giới sẽ được địa phương hóa nhiều hơn, người tiêu thụ sẽ đòi hỏi được mua những thứ hàng thích hợp với cá tính của họ hơn; và họ sẵn sàng trả giá đắt hơn để nhu cầu này được thỏa mãn. Những nhà kinh doanh nào sớm bước chân vào các lãnh vực đó thì sẽ qua mặt các người kinh doanh khác.
Cần nhấn mạnh đến “các nhà kinh doanh.” Các quốc gia không sáng chế ra món hàng mới, không sản xuất và cũng không tiêu thụ hàng hóa. Chính các nhà kinh doanh vẽ kiểu các sản phẩm, thí nghiệm các thị trường, tìm cách thỏa mãn nhu cầu và sở thích người tiêu thụ. Các quốc gia không thể làm công việc đó. Muốn cho người Việt Nam qua mặt được người Trung Quốc trên mặt kinh tế thì phải tạo cơ hội, tạo ra những điều kiện để thanh niên nước mình được tự do học hỏi, phát triển khả năng, sáng kiến; và các nhà kinh doanh nước mình được tưởng thưởng theo khả năng chinh phục thị trường của họ, chứ không phải do quan hệ, chạy chọt, đút lót những kẻ quyền thế.
Một đặc điểm của cuộc cách mạng công nghiệp mới dựa trên tin học và Internet là những xí nghiệp nhỏ và trung bình cũng có hy vọng thành công, không thua gì các đại công ty lâu đời. Những công ty nhỏ không đòi hỏi số vốn cao, không đòi hỏi phải mua máy móc đắt tiền, lúc khởi sự cũng không cần đông người làm việc. Tất cả các công ty tin học và Internet lớn nhất bây giờ đều mới ra đời trong mấy chục năm qua, trong khi các đại công ty cùng ngành tin học cứ đứng tại chỗ, trố mắt nhìn “bọn trẻ” qua mặt mình.
Ngay bây giờ, tại thành phố New York đang sinh ra một “đợt sóng mới” các nhà kinh doanh tin học và Internet, không khác gì hiện tượng diễn ra ở thung lũng điện tử California trước đây 30 năm. Tại một số tòa nhà ở khu thuê nhà còn rẻ ở New York, có những công ty “khởi nghiệp” chen chúc nhau, mỗi công ty có thể chỉ thuê vài ba chỗ kê bàn làm việc. Trong 5 năm qua, có một ngàn công ty khởi nghiệp (start up), số làm nghề tin học tăng thêm gần 2,000 người. Hiện có 400 công ty khởi nghiệp trong một khu chung quanh Union Square; tại một ngôi nhà trên đại lộ Broadway có 8 công ty khởi nghiệp thuê văn phòng. Tại một ngôi nhà trên Phố 22, với một bàn ping pong, một phòng tắm hoa sen, một cây đàn guitar, và một bộ trống, chứa năm bẩy công ty nho nhỏ; trong đó có người ăn ngủ ngay tại trụ sở công ty để khỏi phải thuê nhà trọ. Tại ngôi nhà này, đã có một công ty start up khá thành công, được Google đề nghị mua để kết hợp lại; các “nhà kinh doanh trẻ” khác coi đó là dấu hiệu “phong thủy” ngôi nhà tốt!
Người ta chưa dám tiên đoán lớp kinh doanh trẻ ở New York này sẽ thành công ngoạn mục như lớp đàn anh ở Thung Lũng Silicon hay không; nhưng hiện tượng này đang được chú ý. Những chuyên gia tin học và kinh doanh này không được một chính quyền nào trợ cấp cả. Trong hàng trăm người đó dù chỉ có 3 đến 5 người hy vọng sẽ thành công ít nhiều, nhưng giới “đầu tư mạo hiểm” (venture capitalist) sẵn sàng đánh cá đem tiền đến góp. Ở nước Mỹ không phải chỉ có thành phố New York cung cấp những điều kiện cho các nhà kinh doanh kiểu này.
Tại Trung Quốc người ta chưa tạo được môi trường để sinh ra các hoạt động kinh doanh mạo hiểm và kích thích sáng kiến, phát minh như vậy. Bao nhiêu tài năng của giới trẻ bị lãng phí, bao nhiêu người có sẵn tiền để góp vốn nhưng không có cơ hội đầu tư, chỉ biết “khoe của” bằng việc xài sang, xây nhà, mua xe, mua cả máy bay để phô trương.
Ở Việt Nam cũng vậy. Nhưng chúng ta có thể thay đổi. Phải thay đổi mới hy vọng vượt qua Trung Quốc. Nếu một chính quyền Việt Nam trả tự do cho thanh niên có cơ hội học hỏi, nền giáo dục được mở rộng cho tư nhân đóng góp, cạnh tranh với nhau, thì giới chuyên viên nước ta, chỉ trong vòng mười đến hai chục năm, sẽ gia tăng không thua gì Sinpapore hay Hàn Quốc. Vừa rồi có cảnh cha mẹ học sinh xếp hàng từ đêm hôm trước để được nộp đơn cho con vào Trường Thực Nghiệm Hà Nội; chen lấn làm đổ cả cổng trường. Người ta tự hỏi tại sao trong mấy chục năm nay không có trường nào cố ngoi lên cạnh tranh với trường phổ thông cơ sở này? Nếu các trường tư được tự do hoạt động thì chắc chắn sẽ có; và đó chính là ưu điểm của kinh tế thị trường. Các học sinh trường này khi lên đại học sẽ ra sao? Hay là lại đua nhau xuất ngoại rồi ở lại nước ngoài luôn?
Nếu có một chính quyền ở Việt Nam trả tự do cho các doanh nhân thi đua khả năng mà không lo bị ai ăn cướp, ăn chặn, ăn hớt, đòi hối lộ, thì cũng chỉ cần 5 đến 10 năm nước ta sẽ có những người biết góp vốn cho những cuộc đầu tư mạo hiểm. Người ta chỉ dám mạo hiểm kiểu đó khi biết chắc rằng được đối xử công bằng theo luật lệ của cải được luật pháp bảo vệ.
Việt Nam có thể chạy đua và qua mặt Trung Quốc nếu nước ta đi bước trước, chỉ cần một bước mà thôi. Ðó là bước cải tổ chính trị. Ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc đang hô hào nước ông cải tổ chính trị, nhấn mạnh rằng nếu không thay đổi chính trị thì kinh tế sẽ bế tắc. Nước ta không cần nghe ai cả, hãy cứ theo lời khuyên của ông Ôn Gia Bảo. Nếu Việt Nam cải tổ chính trị sớm hơn Trung Quốc được 5, 10 năm thì chúng ta sẽ tạo được cơ hội cho kinh tế phát triển mạnh hơn, sẽ qua mặt Trung Quốc, bởi vì họ sẽ lâm vào bế tắc.
Dấu hiệu bế tắc đã bắt đầu xuất hiện với các thống kê kinh tế trong tuần qua. Tuy xe vẫn chạy nhưng tất cả đều giảm bớt tốc độ. Ðiều này cho thấy cả hệ thống đã lâm vào cảnh “hết hơi.” GDP Trung Quốc tăng lên với tỷ lệ 8.1%, thấp nhất kể từ năm 2009 đến nay. Trung Quốc dựa quá nhiều vào việc xuất cảng, nhưng số thương vụ xuất nhập cảng đều xuống thấp trong Tháng Tư vừa qua. Chính quyền Trung Quốc chuyển hướng sang việc tiêu thụ trong nước. Nhưng số hàng bán lẻ trong Tháng Tư chỉ tăng thêm 14%, tỷ lệ gia tăng thấp nhất kể từ đầu năm 2009. Số đầu tư vào tích sản cố định, ba tháng đầu năm ngoái tăng hơn 25%, năm nay chỉ tăng 20%. Ðầu tư vào nhà đất, bốn tháng đầu năm ngoái tăng 34%, năm nay chỉ tăng 19%. Số sản xuất công nghiệp tăng 9% trong Tháng Tư, tỷ lệ thấp nhất kể từ năm 2009. Một dấu hiệu kinh tế trì trệ là số điện lực sản xuất chỉ tăng dưới 1% trong Tháng Tư, so với năm ngoái đã tăng 7%. Thị trường địa giảm mạnh nhất, vì các chính sách ngăn chặn đầu cơ. Số nhà bán giảm 15% so với năm ngoái.
Những con số trên không có nghĩa là kinh tế Trung Quốc sắp suy thoái. Chúng chỉ là dấu hiệu chứng tỏ “mô hình kinh tế Trung Quốc” đã sử dụng hết sức khả năng của nó; và sức sống đang cạn dần. Một chướng ngại cản trở kinh tế Trung Quốc là hệ thống ngân hàng quốc doanh. Vì chỉ lo chuyển tiền của dân cho các doanh nghiệp nhà nước tiêu phí nên các ngân hàng này sẽ gặp khủng hoảng hết vốn. Nhưng tai họa do các ngân hàng gây ra không nặng nề bằng nạn tham nhũng lạm quyền. Chính hệ thống tham nhũng sẽ giết chết “con gà đẻ trứng vàng” là các hoạt động kinh tế tư nhân. Ðảng Cộng Sản Trung Quốc không thể cải tổ được như Ôn Gia Bảo khuyến cáo, vì tất cả các quan chức cao cấp từ trung ương đến địa phương đang hưởng lợi trên hệ thống cai trị độc tài hiện tại. Họ sẽ chống lại tất cả các ý định cải tổ.
Cho nên, nước Việt Nam có cơ hội với triển vọng qua mặt Trung Quốc về kinh tế, nếu nước ta bước cải tổ sớm hơn. Việc cần làm ngay bây giờ là cải tổ giáo dục để huấn luyện các chuyên gia và các nhà kinh doanh trẻ. Khi xã hội công bằng hơn, luật lệ minh bạch và thi hành nghiêm chỉnh, khi người dân được làm ăn tự do hơn thì kinh tế phải phát triển tốt đẹp. Nếu không biết thay đổi sớm thì nước ta lại tiếp tục cảnh “theo đuôi” con voi Trung Quốc, chờ nó nhả miếng bã mía nào ra thì hít lấy! Người Việt Nam chẳng lẽ chịu nhục như vậy?
© Ngô Nhân Dụng
Nguồn: Người Việt
Tuyên bố về vấn đề nông dân bị tước đoạt quyền tư hữu
ruộng đất tại Việt Nam
của Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền
15-05-2012
Kính gởi
- Quý Đồng bào trong và ngoài nước.
- Quý Bà con Nông dân Việt Nam.
- Quý Anh Chị Em Tín hữu Công giáo gốc Việt.
Đồng kính gởi
- Quý Chính phủ dân chủ và Quý Tổ chức Nhân quyền.
- Quý Vị thành tâm thiện chí trên thế giới.
Mùa hè năm 2011 tại Việt Nam đã nóng lên với những cuộc xuống đường của các công dân yêu nước nhằm biểu tình chống Giặc ngoài đàn áp ngư dân chúng ta và xâm chiếm lãnh hải chúng ta. Mùa hè năm 2012 lại nóng hơn với những cuộc xuống đồng của bà con nông dân nhằm kháng cự Thù trong tước đoạt ruộng đất, cướp trắng kế mưu sinh cuối cùng của họ. Những sự kiện chấn động này buộc chúng ta phải nhìn lại vấn đề quyền tư hữu ruộng đất và thân phận giới nông dân Việt Nam trong thời hiện đại.
I- Với tư cách những người được giao sứ mạng công bố sự thật, bênh vực lẽ phải và phục vụ tình thương, Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền chúng tôi nhận định rằng:
1- Đồng bào nông dân là thành phần chủ yếu của Đất nước (70 đến 80% dân số). Trong quá khứ, kể từ tiền bán thế kỷ XX, nghe theo lời đảng Cộng sản “đi làm cách mạng để người cày có ruộng”, phần lớn trong họ đã tự nguyện góp công sức, xương máu với niềm hy vọng. Thế nhưng, khi đảng nắm được chính quyền, nông dân đã bị phản bội tàn tệ qua cuộc Cải cách Ruộng đất đầy máu và nước mắt, vốn đã giết chết hàng vạn nông gia tài giỏi, rồi qua cuộc Hợp tác hóa Nông nghiệp vốn chỉ mang lại đói nghèo cho nông dân và khiến họ càng lệ thuộc nhà nước.
2- Khi nhà cầm quyền -trong Hiến pháp 1992 (điều 17-18) và Luật đất đai 1993 (điều 1)- độc đoán khẳng định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý”, rồi đến Luật đất đai 2003 (điều 1), lại ngang nhiên tuyên bố: “Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai”, thì toàn dân nói chung và nông dân nói riêng như đã nhận một bản án tử hình, nghĩa là đã hoàn toàn bị tước một nhân quyền cơ bản được cả thế giới văn minh công nhận là quyền tư hữu mảnh đất nơi mình sinh sống và hành nghề. Qua chủ trương lộng hành và lừa đảo này, lãnh đạo Cộng sản Việt Nam muốn thâu tóm toàn bộ tài nguyên đất nước vào tay đảng để dễ bề khống chế nhân dân và củng cố quyền lực của riêng họ.
3- Từ đó, dựa vào điều 27 Luật Đất đai 1993 quy định: “Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước thu hồi đất đang sử dụng của người sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng…”, nhất là dựa vào điều 39 Luật Đất đai 2003, định nghĩa những “lợi ích quốc gia” chủ yếu là những “dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt”, nhà cầm quyền trung ương hay địa phương đã bao phen cấu kết với các “nhóm lợi ích” (công ty, đại gia, tư bản xanh, tư bản đỏ…) nhập nhằng “lợi ích quốc gia” với “lợi ích đại gia” để đuổi hàng triệu nông dân ra khỏi nơi họ canh tác từ bao đời, hầuphân lô chia chác với nhau, đầu cơ bất động sản, bán hoặc cho công ty xí nghiệp thuê mướn, xây dựng những công trình chỉ có tính chất kinh doanh tư lợi (các khu đô thị Thủ Thiêm, Mỹ Phước ở miền Nam và Lê Trọng Tấn, Ecopark ở miền Bắc là những thí dụ)…
4- Hành vi xua đuổi và tước đoạt ấy được thực hiện qua vô số việc bất công tầy trời: a- đền bù rẻ mạt chẳng theo giá thị trường hay giá thỏa thuận, làm cho nông dân không thể xây lại nhà cửa và tái tục nghề cũ hay chuyển sang nghề mới, thành ra dở sống dở chết; b- khiến giao đất bằng hứa hẹn dối láo, bằng bạo lực hành chánh (dọa đuổi học, đuổi việc, không xác nhận đơn từ…), bằng cả bạo lực vũ khí (dùng công an, quân đội, dân phòng, côn đồ tấn công dân lành, cày nát hoa màu, xới tung mồ mả, cấm cản chụp hình, hành hung phóng viên, bắt giữ tra tấn những ai kháng cự…); c- “giải phóng mặt bằng” xong thì bộ máy cầm quyền (đảng ủy, chính quyền, tòa án, công an, mặt trận) dùng trò phủ dụ, vu khống hoặc xử lý, báo đài công cụ thì lấp liếm bao che hoặc im re nín lặng. Điển hình và động trời là các vụ Cồn Dầu (Đà Nẵng), Đak Ngô (Đak Nông), Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), Vụ Bản (Nam Định)…
5- Trước chính sách tước đoạt tùy tiện phương kế sinh nhai của dân lành, trước quan niệm coi nhân dân như đầy tớ được thí ban tùy lòng ông chủ, trước thái độ xem nhân dân như kẻ thù cần trấn áp triệt hạ nếu dám phản đối như thấy trên, hàng ngàn hàng vạn nông dân đã đứng dậy trong thời gian qua để bảo vệ phẩm giá lẫn quyền sống của mình. Dẫu đôi khi và đôi nơi họ đã có những hành vi ít nhiều bạo động, nhưng đó là phản ứng hoàn toàn tự nhiên và chính đáng của kẻ bị dồn vào bước đường cùng bởi một bọn cướp mạo danh “chính quyền của dân, do dân và vì dân”. Vì dù chỉ có quyền sử dụng, nông dân nào cũng gắn bó với mảnh đất mình đang canh tác, bởi lẽ đất ấy chẳng phải đã được giao không cho họ từ quỹ công thổ như những quan chức đặc quyền đặc lợi, nhưng chính họ đã phải mua bằng tiền bạc, đã phải tạo lập bằng mồ hôi nước mắt, hay đã được thừa hưởng từ công lao của tiên tổ.
II- Với những nhận định ấy, chúng tôi tuyên bố:
1- Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam và nhà cầm quyền các địa phương như tại Đak Nông+Đak Ngô, Đà Nẵng+Cồn Dầu, Hải Phòng+Tiên Lãng, Hưng Yên+Văn Giang, Nam Định+Vụ Bản, Hà Đông+Dương Nội (và rất nhiều nơi khác không thể kể ra hết) phải bị lên án mạnh mẽ vì chủ trương đảng hữu hóa ruộng đất, vì hành động tước đoạt sinh kế và đàn áp bản thân các nông dân, vì phương sách dùng lực lượng trị an để cưỡng bức dân lành, vì chủ trương lừa mị nhân dân và dối gạt công luận bằng chính miệng lưỡi của mình hay bằng dàn truyền thông công cụ.
2- Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, trong chương trình sửa đổi Hiến pháp đang tiến hành, phải xóa bỏ điều 17 và 18 cũng như sửa đổi tận gốc Luật đất đai 2003, để trả lại cho toàn dân quyền tư hữu ruộng đất vốn có từ xưa, ngõ hầu người dân sở hữu thực sự và trọn vẹn mảnh đất nơi mình sinh sống và lập nghiệp, nhất là vì nhiều xáo trộn và xung đột xã hội sẽ có nguy cơ diễn ra khi sắp đến hạn thời 20 năm thuê điền thổ mà Luật đất đai 1993 đã tùy tiện áp đặt.
3- Nhà nước CHXHCN Việt Nam phải trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho các dân oan đã bị tù vì đòi quyền sống về đất đai, vì bảo vệ ruộng vườn nhà cửa của họ, như 7 dân oan Bến Tre bị xử ngày 30-5-2011, 11 dân oan Lục Ngạn, Bắc Giang bị xử ngày 08-03-2012, 4 thành viên gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng bị cầm tù từ 05-01-2012 và chờ ngày ra tòa vì bị vu tội “sát nhân và chống lại người thi hành công vụ”, như các nông dân ở Văn Giang và Vụ Bản đang bị giam giữ.
4- Nhà nước CHXHCN Việt Nam phải chấm dứt sách nhiễu cuộc sống, cấm cản hành nghề hay trả lại tự do cho những công dân từng bênh vực dân oan như các nhà báo Lê Thanh Tùng, Tạ Phong Tần… các luật sư Lê Trần Luật, Lê Thị Công Nhân, Huỳnh Văn Đông, Cù Huy Hà Vũ…, phải chấm dứt gây rối công việc của những chức sắc tôn giáo đã và đang dấn thân bảo vệ những cá nhân, cộng đồng hoặc tổ chức mất đất đai nhà cửa.
5- Viện Kiểm sát, Thanh tra nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân Việt Nam, các tòa án địa phương phải tái xem xét và giải quyết hợp lý hợp tình hàng triệu đơn khiếu nại của dân oan ba miền bị mất đất đai nhà cửa, từ nông dân, thị dân đến giáo dân và các dòng họ. Không được đá qua đá lại, đẩy lên đẩy xuống, làm cuộc sống người dân điêu đứng, khổ sở, tuyệt vọng.
6- Công an, quân đội và những lực lượng hỗ trợ, vốn từ nhân dân mà ra và được nhân dân nuôi sống, phải ngưng làm công cụ bạo lực mù quáng cho các “đại gia”, các “nhóm lợi ích”, các “tư bản đỏ” để trấn áp và tước đoạt dân lành. Trước mắt, phải xin lỗi và bồi thường cho các nạn nhân mà mình đã đàn áp trong các vụ cưỡng đoạt đất đai.
7- Đồng bào nông dân xin hãy đoàn kết với nhau một cách rộng rãi và chặt chẽ, với sự hỗ trợ của mọi tầng lớp nhân dân (các lãnh đạo tôn giáo, các trí thức nhân sĩ, các chuyên viên truyền thông, các mạnh thường quân hào hiệp…) để làm thành những lực lượng đông đảo xuống đường hay xuống đồng đòi lại quyền tư hữu đất đai hay bảo vệ các phương kế sinh nhai cần thiết và chính đáng trong tinh thần bất bạo động.
8- Các chính phủ năm châu và các tổ chức quốc tế xin hãy luôn gắn điều kiện quyền tư hữu đất đai, quyền sinh sống của con người vào các dự án viện trợ giúp Việt Nam phát triển kinh tế, từ xây dựng các cơ sở hạ tầng đến xây dựng các khu dân sinh, các công trình văn hóa, các nhà máy xí nghiệp.
9- Các cá nhân và tập thể trong lẫn ngoài nước, người Việt lẫn người ngoại quốc, xin hãy đồng loạt tẩy chay những dự án khu đô thị sang trọng hay khu du lịch cao cấp xây dựng trên bất công và bạo lực kiểu Thủ Thiêm (Sài Gòn), Hòa Xuân (Cồn Dầu) hay Ecopark (Văn Giang)…
Nhân dịp này, Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền chúng tôi xin hoan nghênh các nhà trí thức ở mạng Bauxite Việt Nam đã vận động được hàng ngàn người phản đối việc cưỡng chế giải tỏa đất đai Văn Giang bằng vũ lực. Chúng tôi cũng xin hoan nghênh và ủng hộ bà con Văn Giang đã và đang tìm cách chiếm lại ruộng đất của mình khỏi tay bọn cướp.
Cuối cùng, chúng tôi nguyện cầu Thiên Chúa ban cho mọi người dân Việt Nam, nhất là các nông dân, sớm được trả lại quyền tư hữu đất đai là một trong những điều kiện làm nên phẩm giá và tự do cho con người, làm nên công lý và hòa bình cho xã hội, làm nên phát triển và thịnh vượng cho đất nước, qua nỗ lực đoàn kết rộng rãi và kiên trì đấu tranh của công dân đất Việt và gốc Việt cho nhân quyền này và mọi nhân quyền cơ bản khác tại Việt Nam.
Tuyên bố tại Việt Nam ngày 15 tháng 05 năm 2012
Đại diện Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền
- Linh mục Têphanô Chân Tín, Dòng Chúa Cứu Thế, Sài Gòn
- Linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải, Tổng Giáo phận Huế.
- Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, Giáo phận Bắc Ninh
với sự hiệp thông của Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý, đang bị cầm tù tại Nam Hà.
No comments:
Post a Comment