Thông điệp từ Bác Kinh (Lê Duy Nhân) |
đăng bởi trọng khiêm |
thứ năm, 05 tháng 4 2012 21:27 |
“...Những lời kêu gọi cải cách chính trị của Ôn Gia Bảo hay Tập Cận Bình chung quy cũng chỉ để xoa dịu bất mãn quần chúng và tranh giành quyền lực trong Đảng ...”
Ngày 16 tháng 3, Phó Chủ Tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình (Xi Jinping), đưa ra một tuyên bố làm rung động các đảng Cộng Sản trên thế giới, khi lên án nặng nề guồng máy lãnh đạo đảng CSTQ.
Tập Cận Bình, người sẽ thay thế Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào vào năm tới, đã đưa ra những lời chỉ trích gây ngạc nhiên cho cá thế giới và được báo đảng Cầu Thị đăng tải. Họ Tập không tiếc một lời nặng nề nào như “đại bộ phận đảng viên thiếu lý tưởng, sa đọa, vô nguyên tắc và vô trách nhiệm..” và “đảng CSTQ ngày nay chỉ là nơi tập trung thành phần giá áo túi cơm”.
Nguyên nhân nào dẫn tới việc Tập Cân Bình đưa ra những tuyên bố “kinh thiên động địa” trên? Để thanh trừng nội bộ hay để sửa sọan cho chủ trương dân chủ hóa vào đại hội Đảng sắp tới?
Nhiều người tin rằng các chỉ trích của họ Tập là nhắm mục đích củng cố cho việc hạ bệ bí thư Trùng Khánh, Bạc Hy Lai (Bo Xilai) cách đó mấy ngày trước. Họ Bạc có xu hướng làm sống lại Cách Mạng Văn Hóa năm 1966, ông ta nối tiếng là sắt máu qua công cuộc thanh trừng hàng chục ngàn “phần tử của xã hội đen” ở Trùng Khánh (32 triệu dân) nhưng lại là người sống xa hoa và dung dưỡng thuộc hạ thân tín tham nhũng. Vương Lập Quân (Wang Lijun), cánh tay mặt của Bạc Hy Lai, vì nắm được hồ sơ tham nhũng của họ Bạc nên bị truất chức Giám Đốc Công An Trùng Khánh. Họ Vương, vì tính mạng bị đe dọa, phải chạy vào sứ quán Mỹ ở Thành Đô xin tỵ nạn chính trị nhưng bị từ chối sau 34 giờ trốn trong sứ quán. Số phận của họ Vương không nằm trong tay họ Bạc nữa mà sẽ do Bắc Kinh quyết định.
Sau 10 ngày họp, Trung Ương đảng CSTQ quyết định cách chức Bạc Hy Lai như hành động chặt đầu rắn. Không phải chỉ một mình Bạc Hy Lai manh mún đưa Trung Hoa trở lại thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa của thập niên 1960 mà nhiều người thuộc thế hệ 60 mang tâm trạng “hồi tưởng tư tuởng Mao” như phản ứng trước tệ nạn quan liêu, tham nhũng, bè phái đã bắt rễ trong mọi cơ quan từ điạ phương tới trung ương. Điều khôi hài là năm 1966, chính gia đình họ Bạc cũng bị đầy 5 năm trại Lao Cải khi Cách Mạng Văn Hóa do Mao Trạch Đông phát động để thủ tiêu các đối thủ chính trị. Bản thân Bạc Hy Lai cũng “sa đọa, tham nhũng và vô nguyên tắc”. Như vậy cái lý tưởng Cách Mạng Văn Hóa mà họ Bạc theo đuổi cũng chỉ là chiến lược thanh toán đối thủ của Mao Trạch Đông và nhất là để tạo phe cánh “hồi Mao” để tranh giành cái ghế trong Ban Thường Vụ vào tháng 10 này. Và Bộ Chính Trị đảng CSTQ đã nhanh chóng hạ bệ Bạc Hy Lai để triệt tiêu khuynh hướng trở lại Cách Mạng Văn Hóa đã nhen nhúm trong tư duy của một số đảng viên cao cấp.
Nói rằng Tập Cận Bình lên án đảng là nằm trong chủ trương dân chủ hóa Trung Hoa không thuyết phục được đa số. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nhiều lần lên tiếng đòi cải cách chính trị nhưng guồng máy chính trị độc tài toàn trị vẫn vận hành như thể lời nói của thủ tướng chỉ là ngọn gió thoảng qua. Tập Cận Bình thừa kế y bát của Hồ Cẩm Đào nên đương nhiên phải lãnh đạo Trung Quốc theo con đường được Ban Thường Vụ đảng vạch sẵn. Nhiệm vụ chính của lãnh đạo đảng là cứu Đảng chứ không phải cứu dân.
Tập Cận Bình mượn cớ trong sạch hóa Đảng là có mục đích triệt hạ xu hướng trở về Cách Mạng Văn Hóa trong đảng mà Bạc Hy Lai là biểu tượng, chứ không hề có mục đích dân chủ hóa đảng. Tập Cận Bình đã nói rất rõ rằng: “Nhiều người gia nhập Đảng không phải vì chủ nghĩa Mác hay để nỗ lực xây dựng chế độ XHCN theo màu sắc Trung Hoa”. Nhưng XHCN theo màu sắc Trung Hoa là XHCN theo tư tưởng Mao hay tư tưởng Đặng Tiểu Bình? Trung Hoa ngày nay không còn là Trung Hoa của thập niên 60 mà la Trung Hoa của kinh tế thị trường dưới nền chính trị độc tài đảng trị với hàng chục ngàn đại tư bản gộc đang kiểm soát tòan bộ nền kinh tế tư bản Trung Hoa. Làm sao trở lại thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa không có Mao. Làm sao xóa sạch nền kinh tế thị trường đã đưa Trung Quốc lên cường quốc kinh tế chi sau Hoa Kỳ. Nó không tưởng hơn cả chủ nghĩa Mao.
Những lời kêu gọi cải cách chính trị của Ôn Gia Bảo hay Tập Cận Bình chung quy cũng chỉ để xoa dịu bất mãn quần chúng mỗi ngày một lớn và tranh giành quyền lực trong Đảng mỗi ngày một căng thẳng. Đảng Cộng Sản không thể thay đổi được mà chỉ có thể thay thế, như lời Boris Yeltsin nói, nên mọi cố gắng thay đổi để tồn tại sẽ thất bại. Quả vậy Bắc Kinh đã thử nghiệm khôi phục lại Khổng giáo để biến XHCN với tư tưởng Mao thành XHCN với tư tưởng Khổng giáo nhưng đã thất bại. Tượng Khổng tử vĩ đại được đem ra Thiên An Môi rồi lại cất đi. Bây giờ một số lãnh tụ lại định dùng Cách Mạng Văn Hóa của Mao Trạch Đông để trở về XHCN với tư tưởng Mao, y hệt một vở tuồng Hồ Quảng, cũng một ông vua nhưng thay đổi y phục cho mỗi màn kịch.
Việt Nam không có Cách Mạng Văn Hóa như Trung Quốc nên ngoài trò bịa ra XHCN với tư tuởng Hồ Chí Minh – cũng là bắt chước XHCN với tư tưởng Mao của Trung Quốc - để thoát ra khỏi cơn bão sụp đổ chủ nghĩa Mác, đảng CSVN không còn học được sáng kiến XHCN nào khác từ đảng CSTQ.
Tập Cận Bình, khi tham quan Việt Nam trong tháng 2 vừa qua, có chỉ thị nào cho đảng CSVN trong Hội Nghị chỉnh đốn Đảng 27/2/2012 không? Đảng cộng sản Việt Nam thiếu gì “gía áo túi cơm”, thiếu gì đảng viên “sa đọa, vô trách nhiệm” mà chỉ thiếu những lãnh tụ bạo mồm như Ôn Gia Bảo và Tập Cận Bình. “Bầy sâu trong Đảng” của Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang bây giờ sinh sôi nẩy nở thành bầy đoàn chưa? PMU-18, Xa Lộ Đông Tây, Vinashin, tiền Polymer… vừa chìm xuồng nay lại nổi lên Nhà Máy Lọc Dầu Dung Quất, Thủy Điện Sông Tranh 2… rồi kế tiếp là EVN, Hàng Không Việt Nam, rồi nhà máy điện nguyên tử… Vụ cướp đất, phá nhà anh Vươn ở Tiên Lãng vừa lấp liếm xong thì mỗi ngày hàng trăm dân oan bị cướp đất cướp ruộng đất tiếp tục kéo vế thủ đô dầm mưa dãi nắng hàng mấy năm trời kêu gào xin công lý.
Ở Việt Nam việc hạ bệ nhau trong đảng Cộng Sản không sôi nổi và tàn bạo như Trung Quốc nhưng chia rẽ Bắc-Nam, chia rẽ nội bộ tuy âm thầm nhưng đã căng lắm. Liệu TBT Nguyễn Phú Trọng có được Tập Cận Bình hứa hẹn “bảo hộ” đặc biệt gì không mà sau chuyến “vi hành” của Tập Cận Bình tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam cứ tiếp tục bị Trung Quốc bắt cóc, phá nát ngay tại biển của ta.
Các tuyên bố nẩy lửa của Tập Cận Bình ngày 13/3/2012 được lãnh đạo Việt Nam tiếp nhận như thế nào? Một thông điệp về chính đốn Đảng, một báo hiệu của nguy cơ mất Đảng, hay báo hiệu sự xoay chiều của ý thức hệ trong guồng máy lãnh đạo sắp tới ở Trung Quốc. Việt Nam có cần thay đổi nhân sự cho thích hợp với tư duy của ban lãnh đạo Trung Quốc sắp tới không? Ai lên, ai xuống? Ai vào, ai ra?
Từ nay tới ngày đại hội đảng Trung Quốc vào tháng 10 này, sẽ còn nhiều biến động ngọan mục tại Trung Quốc. Tàu với ta là một, “láng giềng bốn tốt” nên Trung Quốc hắt hơi thì Việt Nam xổ mũi. Chờ xem!
Lê Duy Nhân
LỜI BÌNH (0)Ghi danh để nhận phản hồi bài nàyVIẾT LỜI BÌNH
Bạn phải đăng nhập để viết lời bình. Nếu bạn chưa có trương mục, xin bạn ghi danh.
|
No comments:
Post a Comment