Chợ Bến Thành – Lê Thừa
Saigon ơi!
Ta đã mất người như người đã mất tên…
Về gốc gác tôi không phải người Sài-gòn. Nhưng tôi đã sống và lớn lên ở đất Sài-gòn. Đã đổi đời với Sài-gòn. Rồi giã từ Sài-gòn. Sài-gòn đã trở thành máu thịt trong tôi, một thành phố đi xa thì nhớ, ở gần thì thương. Tất nhiên mối liên hệ được kết nối với những kỷ niệm, những ân tình, những cảm xúc, những trăn trở, những tiếc nuối, kể cả những tủi nhục đắng cay như bao cư dân khác. Nhưng Sài-gòn vẫn là Sài-gòn, một cái tên thân thương, dù vật đổi sao dời nó không thể có một cái tên khác, một cái tên mà những người đi mở đất đã đặt cho nó cách đây hơn ba trăm năm. Có người hỏi tại sao vậy, tôi xin dùng lý luận của nhà văn Nhã Ca trong một tiểu thuyết của bà.Bà yêu đường Tự Do cũng như tôi yêu Sài-gòn, bà giải thích đường Tư Do là Tự Do chứ không thể là Đồng khởi vì nó có tên là…Tự Do! Lối lý giải giản dị, tự nhiên như người Sài-gòn mà lại hợp lý, dễ hiểu cho người dân cả nước.
Nhớ lại sau 75, khi Sài-gòn không còn là những đề tài thời sự, với những nhóm từ như Sài-gòn hấp hối, Sài-gòn thất thủ, Sài-gòn di tản, Sài-gòn giải phóng, Sài-gòn tắm máu thì Sài-gòn bỗng trở thành một cái tên cho một kịch bản mang tựa đề, “Miss Saigon”, một kịch bản đã đi vào huyền thoại vì nó được diễn đi diễn lại liên tục mỗi đêm trên các sàn diễn nổi tiếng khắp năm châu cả hàng chục năm liền.
Mặc nhiên, Sàigòn đã trở thành một danh xưng quốc tế chẳng phải nhờ chiến tranh với sự hiện diện của những chàng G.I. của Mỹ, chẳng phải vì là trạm dừng chân của những chuyến đi con thoi cho những nhà mua bán chính trị của các phe, mà lịch sử của địa danh này đã sang trang khi có làn sóng di tản ồ ạt ra khỏi nước, làm tiền đề cho các Sàigòn Nhỏ mọc lên ở hải ngoại như một kiểu Chinatown của người Tàu rải rác khắp năm châu. Kể từ đó, ‘Little Saigon’ được hiểu như một biểu tượng văn hóa, có pha lẫn sắc thái chính trị hơn là một trung tâm thương mại cho các kiều bào người Việt xa quê hương.
Kể từ ngày 2-7-1976, khi quốc hội CSVN chính thức ra nghị quyết đổi tên Sài-gòn thành một thành phố có danh xưng mang tên người lãnh tụ CS đã qua đời của họ, thì sau một chu kỳ 30 năm, người ta lại nhắc nhiều đến Sài-gòn. Ở ngoài nước, một phong trào rầm rộ đã dấy lên để đòi nhà cầm quyền Cộng Sản hãy trả lại cái tên nguyên thuỷ của nó. Nhiều cuộc hội thảo, nhiều vòng hội thoại, nhiều bản kiến nghị, nhiều cuộc tập họp, với lối biểu dương thiện chí khá ôn hòa đa dạng được sự đồng tình ủng hộ cũa nhiều giới, nhiều tổ chức có uy tín của người Việt hải ngoại đã làm cho việc phục hồi tên (cũ) của Sàigòn (xưa) như một nhu cầu cấp thiết không nặng phần chính trị mà đậm nét văn hóa, lịch sử để xin trả về “những gì của Sai-gòn cho Sài-gòn” đúng với danh xưng của nó.
Trong khi đó thì chính quyền trong nước, do một sự tình cờ lịch sử, lại tưng bừng kỷ niệm 300 năm ra đời của một thành phố mà họ đã gán ghép cho một cái tên khác. Lẽ ra họ chỉ nên kỷ niệm 30 năm ngày thành phố đổi tên, làm như vậy, mặc nhiên cái tên “thật” của Sàgòn 300 năm lại đựơc đánh bóng và làm mờ đi lớp sơn mới của cái tên “giả” bị áp đặt có tuổi đời chỉ mới ba thập niên. Nói thế không có nghĩa ta bảo những người trong Thành ủy không có sự tính toán. Khi kỷ niệm Sài-gòn 300 năm, các cấp lãnh đạo thành phố đã nhìn nhận với bề dày lịch sử và quá trình phát triển của nó, Sài-gòn vẫn tiếp tục là ngọn cờ đầu trong cả nước về mọi lãnh vực từ chính trị, kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật đến văn hóa, văn học nghệ thuật, du lịch, giao lưu quốc tế…cho nên trong chiều hướng muốn quảng bá cho hình ảnh của Sài-gòn với cộng đồng thế giới thì họ không thể chối bỏ một điều là các kiều bào hải ngoại đa phần là những người “từ thành phố Sài-gòn này họ đã ra đi”, kể cả bến Nhà Rồng nơi Hồ cũng từ đây ra đi tìm đường… cứu nước (?)
Điều đáng mừng là song song với trào lưu đòi đổi tên từ các cộng đồng hải ngoại, thì cả chục năm qua ở trong nước Sài-gòn không còn là một cái tên ‘chui’. Các nhà văn, nhà báo, các bloggers, các thanh niên sinh viên, các doanh nhân, du khách, các cơ sở văn hóa nghệ thuật, các phương tiện truyền thanh truyền hình cả nước không còn coi hai chữ Sài-gòn như một danh xưng cấm kỵ. Thậm chí trong dân gian càng ngày càng xử dụng thoải mái cái tên Sài-gòn. Nhiều cán bộ Hà nội đã nói ‘vào Sài-gòn công tác’, nhiều các cháu dưới quê mong được ‘lên Sài-gòn tham quan’ v.v… Nhạc sĩ TCS lúc sinh thời qua ca khúc ”Em còn nhớ hay em đã quên” cũng viết ‘nhớ Sài-gòn mưa rồi chợt nắng…’(bài này TCS viết vào đầu thập niên ‘80 khi thành phố đã đổi tên. Bài hát với âm điệu trầm lắng, ray rứt gợi nhớ người miền nam về một thành phố không thể nào quên).
Mớì đây, tình cờ đọc một phóng sự của báo Thanh Niên, khi báo này thuật lại cảm tưởng của một nhà văn nữ nổi tiếng của Trung quốc sau khi du lịch Việt nam. Cô là một nhà văn trẻ có sách dịch sang tiếng Việt nhiều nhất và được đông đảo giới trẻ hâm mộ. Sau khi thăm cả hai miền nam bắc, được hỏi nơi nào cô cho là ‘ấn tượng’ nhất. Không do dự cô ca ngợi Sài-gòn như một khám phá mới “tiềm ẩn về phong cách văn hóa, mang tính đa dạng, năng động và hiếu khách, bỏ xa Hà nội, Huế, Hạ long…” Có điều lạ là toàn bộ nội dung phóng sự, bài báo đều xử dụng từ Sài-gòn và chỉ Sài-gòn mà thôi! Cũng vậy, cứ đọc báo Tuổi trẻ, Thanh niên, hai tờ báo dẫn đầu số độc giả trong cả nước, thì Saìgòn vẫn là danh xưng nhà báo và độc giả đều ưa thích. Chẳng cần úp mở, khi tuyến đường sắt huyết mạch Bắc Nam, được coi như phương tiện xử dụng của đông đảo bà con lao động mỗi khi di chuyển, thì lấp lánh ngay Ga Hàng Cỏ/ Hà nội người ta đã báo giờ cho lịch trình trong ngày bằng hàng chữ điện tử: “tuyến Hà nội – Sài gòn khởi hành lúc….” không hiểu sao lại không dùng tên Hồ như các năm trước đây, hay là để cho phù hợp với cung cách làm ăn thời hội nhập?
Vậy thì để danh chính ngôn thuận, người viết xin mạnh dạn đề nghị hãy trả lại tên Hồ cho thành phố Lăng Hồ vừa là một hình thức kỷ niệm sâu sắc sau dịp kỷ niệm Thăng Long một ngàn năm, vì Hà nội là nơi Hồ đã sống và làm việc trong những năm cuối đời toạ lạc trong một quần thể mang nhiều kỷ niệm, dấu chân của Bác từ nhà sàn Hồ đến Phủ Chủ tịch, từ viện bảo tàngHồ đến quảng trường Ba đình, vừa là một việc làm nhằm giải tỏa cho cái tên xưa của thành phố phía nam VN, nơi Hồ chẳng hề có một liên hệ nào trừ một lần vãng lai trước khi xuống tàu vượt biên sang Pháp.
Cũng trùng dịp hai vị đứng đầu Nhà Nước đều gốc Nam bộ. xin các ‘vị’ hãy mạnh dạn vận động, can thiệp cho một nghị quyết mới trả lại cái tên Sàigòong cho người dân Bến Nghé, giống như hành động đầy thiện chí nhằm khép lại quá khứ một thời của quốc hội Liên bang Nga khi họ dũng cảm biểu quyết hoàn trả cái tên của thành phố cố đô từ Leningrad (tên gán) về cho Petersbourg (tên xưa). Chính Putin, tổng thống Nga, một cựu đảng viên cộng sản Liên xô cũng rất nhiệt tình vân động và tự hào khi ‘hometown’ của ông nhận lại cái tên lịch sử có từ ngàn năm trước.
Tại sao chuyện này lại không thể xảy ra ở Việt nam, một khát vọng mang tính văn hóa, một nhu cầu mang tính lịch sử, một việc làm chẳng ai mất mặt, môt món nợ cần phải trả và sự hoàn trả tuy có trễ còn hơn không. Mong lắm thay!
Người Bến Nghé (ĐXT)
|
No comments:
Post a Comment