Sai phạm tại các tập đoàn kinh tế và các nhóm lợi ích
Việt Hà, phóng viên RFA, Bangkok
2012-04-09
Những phát hiện về sai sót lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng tại các tập đoàn kinh tế nhà nước được thanh tra chính phủ công bố vừa qua đang khiến dư luận quan tâm.
Khi dư âm và hậu quả của vụ vỡ nợ lên đến hơn 4 tỷ đô la tại tập đoàn công nghiệp tàu thủy Vinashin còn chưa kịp lắng xuống, vào ngày 5 tháng 4 vừa qua, thanh tra chính phủ đã công bố những thông tin khiến nhiều người không khỏi giật mình. Đó là kết luận của thanh tra tại nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước thời gian qua đã phát hiện các sai phạm, thiếu sót về kinh tế lên đến hơn 30 ngàn tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ rưỡi đô la.
Chủ động toàn bộ các tập đoàn kinh tế chủ chốt
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định:
Lê Đăng Doanh: điều này có liên quan nhiều đến việc tiến hành thí điểm tập đoàn từ năm 2006, trong đó có để cho 12 tập đoàn trực tiếp trực thuộc thủ tướng chính phủ, và khung pháp lý của các tập đoàn đó được dần dần bổ xung. Và vì việc bổ xung chậm và chưa đầy đủ nên đã dẫn đến hàng loạt các sai phạm.
Chính phủ ra quyết định thành lập thí điểm 12 tập đoàn kinh tế nhà nước trực thuộc quyền Thủ tướng...Các tập đoàn kinh tế này nắm giữ các ngành kinh tế chủ chốt của Việt nam như dầu khí, đóng tàu, điện lực, viễn thông, xây dựng, khai khoáng, dệt may, tài chính và bảo hiểm.
Vào năm 2006, thủ tướng chính phủ ra quyết định thành lập thí điểm 12 tập đoàn kinh tế nhà nước trực
thuộc quyền Thủ tướng. Đây chính là các tập đoàn được thành lập từ các tổng công ty 91 được ra đời theo quyết định 91/tg của Thủ tướng chính phủ vào năm 1994. Việc thay đổi này nhằm mục đích tăng cường vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong việc đảm bảo vai trò chủ đạo, dẫn dắt các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác hoạt động theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà đảng cộng sản đề ra. Đảng và chính phủ Việt Nam kỳ vọng hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp này sẽ làm nòng cốt cho sự phát triển của nền kinh tế.
Các tập đoàn kinh tế này nắm giữ các ngành kinh tế chủ chốt của Việt nam như dầu khí, đóng tàu, điện lực, viễn thông, xây dựng, khai khoáng, dệt may, tài chính và bảo hiểm.
Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập, các tập đoàn kinh tế nhà nước đã cho thấy nhiều yếu kém. Điển hình là trường hợp của tập đoàn Vinashin. Chỉ tính từ năm 2006 tức là khi mới ra đời sau quyết định của thủ tướng cho đến năm 2010 khi tập đoàn này phá sản, số nợ của Vinashin đã lên đến hơn 4 tỷ đô la. Nguyên nhân được đưa ra là tập đoàn này đã đầu tư dàn trải ra nhiều lĩnh vực không liên quan đến ngành nghề của mình trong một thời gian ngắn gây thua lỗ.
Chỉ tính từ năm 2006 tức là khi mới ra đời sau quyết định của thủ tướng cho đến năm 2010 khi tập đoàn này phá sản, số nợ của Vinashin đã lên đến hơn 4 tỷ đô la.
Tiếp sau Vinashin, thanh tra chính phủ phát hiện tập đoàn dầu khí Việt Nam đã đầu tư sai, chỉ định thầu trái quy định lên đến hơn 18 nghìn tỷ đồng tính từ năm 2006 đến nay.
Vẫn chưa hết, kết quả thanh tra gần đây tại tập đoàn viễn thông quân đội Viettel cũng phát hiện nhiều sai phạm trong nghĩa vụ nộp thuế, quản lý tài chính, và đầu tư.
Khi các tập đoàn trụ cột của nền kinh tế sụp đổ
Các tập đoàn kinh tế cũng mang lại cho nhà nước những khoản lỗ khổng lồ. Nếu không kể trường hợp của Vinashin, tập đoàn điện lực Việt nam năm 2010 thông báo lỗ đến hơn 10 ngàn tỷ đồng trong đó có khoản lỗ do đầu tư vào lĩnh vực viễn thông. Tập đoàn này phải nhận trợ cấp từ nhà nước trong năm 2011 là 22,000 tỷ đồng để bù lỗ.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, những kết quả thanh tra này chỉ là phần nổi của tảng băng mà
thôi:
Các tập đoàn kinh tế cũng mang lại cho nhà nước những khoản lỗ khổng lồ. Nếu không kể trường hợp của Vinashin, tập đoàn điện lực Việt nam năm 2010 thông báo lỗ đến hơn 10 ngàn tỷ đồng trong đó có khoản lỗ do đầu tư vào lĩnh vực viễn thông.
Lê Đăng Doanh:cho đến nay tôi thấy là thanh tra cứ sờ đến đâu là sai phạm đến đấy cho nên cái sai phạm phát hiện được tôi tin chỉ là tảng băng nổi trên mặt nước mà thôi, còn tảng băng chìm dưới mặt nước thì còn lớn hơn nữa.
Khi được hỏi tác hại của những sai phạm được phát hiện tại các tập đoàn kinh tế nhà nước đối với nền kinh tế, ông Lê Đăng Doanh nhận định:
Lê Đăng Doanh: tác hại ghê gớm lắm chứ, vì đấy là các vị trí xương sống của nền kinh tế. Nếu các doanh nghiệp đó làm ăn hiệu quả thì không những doanh nghiệp có lợi mà còn có lợi cả cho nên kinh tế. Nếu điện có hiệu quả, cầu đường có hiệu quả, các tập đoàn xây dựng có hiệu quả thì nền kinh tế giảm được chi phí, vì cứ mỗi đồng chi phí nó sẽ tính vào giá thành sản phẩm của nền kinh tế Việt Nam, và nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh được nếu như mọi sản phẩm từ các dịch vụ công ích quá đắt đỏ này.
Một thống kê mới đây của Bộ kế hoạch và đầu tư cho thấy, doanh số của các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện chiếm gần 40% GDP của Việt Nam, cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trên thế giới. Các tập đoàn này cũng được hưởng nhiều ưu đãi từ chính phủ, đặc biệt là về tín dụng. Tỷ lệ nợ tính theo phần trăm GDP của tập đoàn nhà nước đã tăng từ 21% năm 2005 lên đến 37% vào năm 2010. Điều này làm các chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi về hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Cho đến nay tôi thấy là thanh tra cứ sờ đến đâu là sai phạm đến đấy cho nên cái sai phạm phát hiện được tôi tin chỉ là tảng băng nổi trên mặt nước mà thôi, còn tảng băng chìm dưới mặt nước thì còn lớn hơn nữa.Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Việt nam đã tiến hành quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước từ hơn chục năm qua, nhưng theo các chuyên gia kinh tế việc đổi mới này còn rất chậm chạp, nhất là đối với các tập đoàn kinh tế lớn. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh giải thích:
Lê Đăng Doanh: cho đến nay việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã có một số kết quả nhất định ví dụ như đã cổ phần hóa được một số doanh nghiệp, hơn 3200 doanh nghiệp nhưng số vốn còn khiêm tốn chỉ chiếm 15 đến 16% tổng số vốn các doanh nghiệp nhà nước. Tức là chỉ có doanh nghiệp nhỏ và vừa của nhà nước. Còn các doanh nghiệp chính là các doanh nghiệp có vị thế độc quyền, là xương sống của nền kinh tế như điện, dầu khí, hàng không, các lĩnh vực đó thì chưa đem lại kết quả rõ rệt, đặc biệt là khâu chủ sở hữu có trách nhiệm thế nào, ai làm chủ vốn sở hữu, trách nhiệm giải trình của người làm chủ sở hữu ra sao. Thứ hai là sự công khai minh bạch của những doanh nghiệp nhà nước cũng không rõ ràng, và thứ ba là quy trình tuyển chọn cán bộ đã chuyên nghiệp chưa?
Liên quan đến vấn đề trách nhiệm và tính minh bạch, mặc dù 12 tập đoàn kinh tế được đặt trực tiếp dưới quyền của thủ tướng nhưng sau vụ khủng hoảng Vinashin, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố ông không có sai phạm.
Tại hội nghị lần thứ ba ban chấp hành trung ương đảng cộng sản khóa 11 diễn ra vào tháng 10 năm 2011, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước trong vòng 5 năm tới. Khi nói đến đổi mới, ông cũng nói đến cái gọi là ‘tư duy nhiệm kỳ’ và nhóm lợi ích đang cản trở những cải cách. Nhưng ông đã không chỉ ra cụ thể các nhóm lợi ích này là ai và quy mô thế nào. Và cho đến giờ phút này, đề án tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế mà ông tổng bí thư kêu gọi cũng vẫn chưa được công bố chính thức.
Theo dòng thời sự:
- Độc Quyền và Tham Nhũng
- TPP: lợi hay hại?
- “Tái Cấu Trúc”: “Ai” tái cấu trúc “Ai”?
- Vụ Vinashin ra toà
- Nhiều lãnh đạo Vinalines bị bắt giam
- Vinashin: Vỡ nợ hay phá sản về chiến lược?
- Nhóm lợi ích: Những tác động xấu lên nền kinh tế VN
- Tái cơ cấu nền kinh tế - phần 2
- Tái cơ cấu nền kinh tế - phần 1
- Tái cấu trúc nền kinh tế để đổi mới mô hình tăng trưởng
- Việt Nam đầu tư chệch hướng?
- Tái cấu trúc kinh tế: Quá nhiều rào cản
No comments:
Post a Comment